Monday, January 31, 2011

Soi lại "người Việt xấu xí"

(VEF.VN) - Nghĩ rằng vào thời hội nhập và giao lưu quốc tế, các bạn trẻ chúng ta chắc không ngại nghe người ta nhận xét về mình. Âu đó cũng là dịp để chúng ta tự soi rọi lại mình, khắc phục các mặt nhược và hoàn thiện những mặt ưu vậy.

LTS: Chia sẻ với những "tự trào", "tự vấn" của tác giả Cảnh Thái về các tính cách tốt xấu của doanh nhân cũng như người Việt nói chung, độc giả Nguyễn Hữu Thái đã bày tỏ suy nghĩ về "người Việt xấu xí".

Mời quý vị độc giả gửi ý kiến trao đổi vào hộp phản hồi phía dưới hoặc gửi về vef@vietnamnet.vn


Giống như một cái mốt thời thượng, nay đang lan tràn trên khắp thế giới các cuốn sách trong đó người ta nêu lên và phê phán những thói hư tật xấu của chính bản thân dân tộc mình, nhiều khi còn tự thóa mạ khá cay độc nữa là đàng khác.



Nổi tiếng và gây xôn xao gần đây là cuốn " Người Trung Quốc xấu xí " do nhà văn Bá Dương của Đài Loan viết. Ông ta thú nhận mình viết bắt chước theo cuốn " Người Mỹ xấu xí ", một tác phẩm đã được chính quyền Mỹ không nề hà sử dụng làm tài liệu nghiên cứu sách lược của mình. Người Nhật cũng có cuốn " Người Nhật xấu xí ", tác giả là một vị đại sứ Nhật Bản tại Argentina, nhưng sau khi cuốn sách ra đời thì ông ta bị bãi chức. Phải chăng đó là sự khác nhau giữa Đông và Tây? Ở nước ta nghe nói cũng có lắm người hăm he viết " Người Việt xấu xí ", không biết đã làm tới đâu rồi ?

Không có ý thức bảo vệ tài sản chung cũng là một "tật xấu" của người Việt?
Nay ở nước ngoài, người mình đang chuyền tay nhau đọc một tài liệu ngắn đánh giá người mình mang tên: "Mười đặc điểm của người Việt Nam". Nghe nói đây là kết quả nghiên cứu của một viện xã hội học Mỹ. Tôi không có được nguyên bản tiếng Anh, nên chưa biết thực hư ra sao, tuy xem ra cũng có nhiều điểm lý thú nên ghi lại để chúng ta cùng chiêm nghiệm. Sau đây là nội dung các nhận xét đó :


1-Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý huởng thụ còn nặng.
2-Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
3-Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
4-Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
5-Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học "đến đầu đến đuôi" nên kiến thức không hệ thống, mất căn bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê).
6-Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
7-Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn người).
8-Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
9-Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.
10-Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

Thật ra ta cũng khó lòng vội vả xác định về tính chính xác của các nhận xét nêu trên về người Việt mình. Cho nên tôi đồng ý với nhận định của một anh bạn giáo sư sử học cho rằng các đặc tính kiểu này người rất nhiều nước đều có, không chỉ riêng gì người Việt mình. Vấn đề là thể chế và giáo dục. Ngày xưa đâu đến nỗi tệ thế... Tôi cũng nghĩ rằng mọi con người sinh ra cơ bản đều giống nhau, chính xã hội và khung cảnh sinh sống quy định tính cách của họ. Một nền giáo dục tốt có thể làm thay đổi tất cả.

Nghĩ rằng vào thời hội nhập và giao lưu quốc tế, các bạn trẻ chúng ta chắc không ngại nghe người ta nhận xét về mình. Âu đó cũng là dịp để chúng ta tự soi rọi lại mình, khắc phục các mặt nhược và hoàn thiện những mặt ưu vậy.

Sunday, January 30, 2011

Tết cuối cùng của thời bao cấp

Tết cuối cùng của thời bao cấp

Tôi chặt một nhánh cây nhiều cành, ngồi lấy giấy điều cắt hoa đào, giấy vàng cắt hoa mai… Mấy đứa em dùng cơm dán vào cành, thành cây vừa đào vừa mai, buộc vào chân bàn...

1. Tôi ra trường, nhận công tác vào dịp sắp tết. Thấy mọi người trong cơ quan chộn rộn như nhà sắp có đám cưới. Không dám hỏi ai, quan sát mới biết, anh em trong ban đời sống của công đoàn đang phân công nhau đi xin mua hàng tết.

Vài hôm sau, thấy anh Hồng lái chiếc xe Gaz 69 chở về con heo kêu eng éc. Mấy anh em trẻ được phân công khiêng con heo vào cho anh Khá mổ. Con heo chừng 50kg do một HTX ở huyện Phú Lộc bán cho với giá cung cấp (giá theo quy định của nhà nước thời bao cấp).
Bán lá dong Tết của thời bao cấp. (Ảnh: theo Báo Tổ quốc)

Cơ quan có 47 người, thịt heo được chia làm 46 phần vì tôi mới về “chưa có đóng góp gì” (theo lời thư ký công đoàn – hồi đó gọi là thư ký, không gọi chủ tịch).

Chị em, dưới sự chỉ huy của chị Mão, phụ trách nữ công, chia xong thì cẩn thận cân lại từng phân cho đều. Xong, làm 46 cái thăm, trên mỗi cái ghi tên một người, vo tròn lại, bỏ vào cái mũ cối lắc lắc, đưa cho anh Dĩ bỏ mỗi cái thăm lên mỗi phần thịt.

Anh em đang háo hức chờ đợi thì thư ký công đoàn Cao xuất hiện. Ông ngắm nghía một hồi, nhấc lên đặt xuống từng phần thịt rồi lắc đầu: “Không được, không được, chia lại”.

Trong lúc mọi người ngơ ngác chưa hiểu vì sao thì ông Cao tiếp lời: “Tất cả các phần phải như nhau, phần nào cũng có tai, có lưỡi, có tim, có gan…”. Không ai dám nói gì, xóa, chia lại.

Chị Mão vào gặp chú Ngô, hỏi mượn cái lưỡi dao lam cạo râu. Chú Ngô hỏi chị có râu đâu mà mượn, chị Mão cười méo xẹo: “Tui mượn để cạo râu cho con heo”.

Chị Mão bẻ lưỡi làm đôi, đưa cho chị Chiến một nửa, hai chị em rạch hai cái tai heo ra làm 46 lát, xong rạch quả tim thành 46 lát, rạch cái gan làm 46 lát, cái lưỡi ra 46 lát… Đến lượt 4 cái giò heo thì thiệt nan giải, chia thế nào cũng không thể thành 46 phần đều có móng như nhau. Chị Mão vừa chặt giò vừa ứa nước mắt. Đoạn nói: “Tau thà chưa có cống hiến chi như thằng Thịnh để khỏi chia còn hơn!”. Chị nói đến đó thì tôi tủi thân muốn khóc.

Cuối cùng chị Chiến cầm thăm lên, đọc tên, anh em hỉ hả gói phần thịt vào tấm lá chuối mang về.

2. Hôm sau nữa, thấy anh Hồng cùng chiếc xe Gaz 69 chạy về. Anh em khiêng về một sọt gì đó nằng nặng, lót rơm. Hóa ra là đường bánh nhờ cơ quan kết nghĩa trong Quảng Ngãi mua cho với giá hữu nghị.

Chị Mão lại chỉ huy đội quân chia chác. Thấy đường có vài loại, một loại rất đen, một loại nâu nâu và một loại vàng vàng, chị Mão rút kinh nghiệm chia thịt heo, bảo chị em dùng dao chặt đường bánh ra làm từng phần nhỏ, chia 46 phần ai cũng có đen, nâu, vàng. Thấy tôi, chị Mão nói, tối chị nấu chè Thịnh qua ăn nghe. Tôi cười như mếu: “Dạ, không, em chúa ghét chè”. Thực ra thì hồi sinh viên, tụi nó cá độ, góp đường tiêu chuẩn lại nấu một nồi chè, múc vào bát xếp dài một sải tay, tôi chén sạch.

3. Gần sát tết thì nhà máy xi măng LT bán cho 45 bao bột tã (loại xi măng mác thấp). Cuộc bình bầu diễn ra vô cùng căng thẳng vì không ai xin rút để có thể chia đủ mỗi người một bao. Thằng Chung, cũng trẻ như tôi, đề nghị bán để chia tiền chênh lệch. Ông Cao nghe xong mặt đỏ gay, phê bình: “Đồng chí là đảng viên trẻ mà có tư tưởng tiếp tay cho gian thương”. Thằng Chung sợ vãi ra quần, nín bặt.


Đi chơi Tết thời bao cấp. (Ảnh: theo Báo Tổ quốc)



Rồi không hiểu thế nào nó giơ tay xin rút. Cả cơ quan vỗ tay rào rào, khen ngợi Chung có tinh thần tập thể, mình vì mọi người. Thằng Chung nói tiếp, tôi rút nhưng phần tôi cho thằng Thịnh, nó chưa có cống hiến với cơ quan ta nhưng nó đi bộ đội về, lại là thương binh. Mọi người bàn tán xôn xao. Tôi đưa tay xin phát biểu ba từ, tôi xin rút. Thế là êm đẹp.

Tôi thấy tết mà chia bột tã buồn cười quá, hỏi thằng Chung, người ta lấy mỗi người một bao bột tã mà họ lại ở nhà tập thể thì xây cái gì? Thằng Chung cười híc híc, nói mày ngu lắm, tụi nó bán hết chớ xây xa chi. Tôi nói bán, sao mi đề nghị bán họ lại phê bình? Thằng Chung lại híc híc, rứa mới nói.

4. Tôi gom hết tiêu chuẩn, gồm 250g đường, một gói trà Hương Sơn loại ba, 2 gói thuốc Tam Thanh, 1 gói thuốc Nhị Thanh, một phong kẹo lộn xộn gồm có các chủng loại Hải Châu, kẹo cứng Huế… một chai rượu chanh Hà Nội, một câu đối mua từ hiệu sách, một chùm hoa giấy… buộc sau xe đạp, đạp ra bến xe An Hòa, đưa thẻ thương binh ra xếp hàng ưu tiên rồi mua vé về Quảng Bình.

Mạ tôi soạn quà ra giường trước những cặp mắt ngưỡng mộ của lũ em, ngắm nghía một lúc rồi nói: “Năm nay anh cả đi làm, nhà ta ăn tết xôm quá các con hè”.

5. Tôi chặt một nhánh cây nhiều cành, ngồi lấy giấy điều cắt hoa đào, giấy vàng cắt hoa mai… Mấy đứa em dùng cơm dán vào cành, thành cây vừa đào vừa mai, buộc vào chân bàn, treo hai câu đối lên hai bên cột nhà rồi dọn bánh kẹo chè thuốc lên bàn thờ… Cả mấy anh em đứng ra xa ngắm nghía rồi bỗng nhiên cùng vỗ tay…

Tết đến rồi!

Doanh nhân tránh sao với tật xấu người Việt?

Doanh nhân tránh sao với tật xấu người Việt?

(VEF.VN) - Từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người, khi ta tự nghĩ về ta, ta tự đánh giá về bản thân mình, không bao biện, tự soi rọi lại, tự nhìn nhận lại, ta sẽ nghĩ gì về bản thân? Ta tự nghĩ gì về dân tộc mình?

LTS: Xuân về là lúc đất trời giao hòa, cây cối nẩy chồi, trăm hoa đua nở, vạn vật như khoác thêm tấm áo mới, vươn mình đứng dậy như một cô gái trẻ đôi mươi. Hồn người cũng thấy thư thái, tạm gác qua những suy tính, bon chen, vất vả đời thường, đôi chút mạn đàm ngày xuân có những "tự trào", "tự vấn" về các tính cách tốt xấu của chính bản thân chúng ta.

Tác giả Cảnh Thái đã gửi về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam một bài viết về những "thói hư tật xấu" mà giới doanh nhân cũng nhơ mọi người dân Việt Nam nên tránh. Theo bạn, đây có thực sự là những "thói xấu" căn cơ của người Việt không? Còn những điểm yếu nào mà ta cần khắc phục? Mọi ý kiến thảo luận xin nhập vào hộp phản hồi phía dưới hoặc gửi về vef@vietnamnet.vn

Nói về các truyền thống tốt đẹp, các đức tính tốt đẹp của người Việt thì chúng ta không thiếu những tấm gương, những cá nhân xuất sắc, các anh hùng dân tộc xả thân vì đại nghĩa hay các vĩ nhân của đất nước mà thành tựu đã được tổ quốc ngàn đời ghi dấu, lưu danh muôn thuở trong lịch sử phát triển đất nước.

Ở đây, chúng ta cần một trao đổi thẳng thắn, không e ngại, dù "sự thật mất lòng" về những thói hư và tật xấu mà dân tộc và đất nước nào cũng có. Dù muốn hay không thì các thói hư, tật xấu cũng đã và đang diễn ra, có khi lâu ngày trở thành bản tính xấu khó mà sửa chữa, hoặc tệ hơn sẽ trở thành "tính cách" không hay của dân tộc. Vì vậy can đảm nói ra có khi là một lời góp ý, trao đổi chân tình, nhìn thẳng vào sự thật, lời cảnh tỉnh không bao giờ muộn!

Những đức tính xấu đấy sẽ được liệt kê dưới đây, mời doanh nhân tham khảo để có cách dùng người hợp lý và hạn chế mặt tiêu cực của chúng.

1. Khả năng làm việc theo nhóm kém, tinh thần đồng đội chưa cao

Người Việt thường hoàn thành tốt các công việc của cá nhân nhưng khả năng gánh vác công việc cộng đồng, công việc chung kém, trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng kém.

Các học sinh Việt thường chịu khó làm bài tập của mình rất siêng năng và làm tốt các bài tập được giao cho cá nhân, nhưng bài tập chung của nhóm thường bị đùn đẩy trách nhiệm cho người khác làm, khả năng ngồi lại với nhau để thảo luận nhóm, đóng góp ý kiến cho một thành quả chung tích cực hơn thường bị xem nhẹ.

Trong quân đội, khi gặp cảnh trận mạc vào sinh ra tử, các quân nhân thường thấm thía với các đồng đội chiến đấu can đảm kiên cường, không bỏ đồng đội dù hiểm nguy gian khổ nhưng trong đời thường lại dễ "nặng nhẹ" vì một việc cỏn con cũng có thể bị đùn đẩy cho nhau các trách nhiệm công việc chung.

Tại các doanh nghiệp, các công nhân và nhân viên người Việt cũng "nổi tiếng" khó phối hợp đồng đội "teamwork" tốt, khó có hiệu quả hợp tác cao trong các công việc được cấp trên giao.

Tại mỗi khu phố, khu dân cư, nếp sống vệ sinh chung thường rất kém. Người ta chú ý quét dọn sạch sẽ nơi khuôn viên của gia đình mình, trong khi các diện tích chung, công cộng thường chịu việc xả rác, vứt bỏ các thứ linh tinh làm ô nhiễm môi trường chung.



Trên đường phố Việt Nam, chúng ta không khó bắt gặp các hình ảnh xả rác, chen lấn tranh giành nhau khi tham gia giao thông hoặc tại các cơ quan công quyền mà người dân phải xếp hàng lộn xộn, chờ chực trong một mớ hỗn độn, rất thiếu khoa học. Thậm chí, ngay tại Sở KH-ĐT TP.HCM, nếu bạn có việc phải xin giấy phép, đổi giấy phép hay giấy tờ liên quan, việc chen lấn chờ đợi không theo trật tự thể hiện một tư duy bon chen, chụp giật, không có kế hoạch, tổ chức và tầm nhìn dài hạn.

Tại các nhà ga, bến xe, hàng không, hàng quán, nhà hát, công viên công cộng, .v.v. chúng ta càng thấy rõ ý thức vì cộng đồng của người Việt thực sự chưa trưởng thành. Trách nhiệm trước mắt có thể thuộc về các cá nhân lãnh đạo tại các đơn vị này, sau đó là ý thức chấp hành của mỗi người dân trong cộng đồng và khả năng tổ chức phối hợp làm việc theo nhóm vì tinh thần cộng đồng, vì công việc chung còn nhiều điều chưa tốt.

2. Tư duy tiểu nông

Các thửa ruộng nhỏ lẻ, được các đời cha ông tiếp nối và chia tách ra làm nhiều miếng nhỏ dần cho các đời sau. Ngồi trên máy bay, chúng ta dễ thấy các thửa đất nông nghiệp Việt Nam bị chia cắt, nát vụn, ít thấy có các cánh đồng rộng lớn ngút ngàn như cách làm nông nghiệp hiện đại, năng suất cao như tại các quốc gia khác, trong khi đồng bằng Việt Nam là một trong những vựa lúa lớn nhất của thế giới.

Đất đai không thể sinh sôi nảy nở nhưng người thì tăng thêm trong khi phương thức sản xuất thay đổi quá chậm chạp. Tốc độ và khả năng thay đổi tư duy, khả năng thích ứng với tình hình mới không cao.

Làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu và bảo thủ theo kiểu tư duy xưa vẫn còn "con trâu đi trước cái cày theo sau", thiếu liên doanh liên kết, thiếu sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, lòng đố kỵ, ích kỷ, ganh ghét, không muốn người khác hơn mình, dấu nghề, không mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, thậm chí anh em, người thân trong nhà cũng không san sẻ, giúp đỡ, "cho tiền cho bạc, không ai chỉ đàng làm ăn"!

Xong việc của mình là xem như xong, không quan tâm người khác hay bà con láng giềng làm ăn ra sao. Tư duy "hợp tác xã" một thời, nửa đêm không ai muốn thức dậy xả nước cho thửa ruộng chung, ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động "cha chung không ai khóc", tị nạnh nhau các công việc của chung cộng đồng.

Thậm chí, xuất hiện lối suy nghĩ "sống hôm nay, biết hôm nay", bất chấp ngày mai ra sao! Điều này dễ dẫn tới việc biển thủ, ăn cắp của công cả "tài sản vật chất và thời gian" trong các doanh nghiệp nhà nước bất chấp hậu quả là doanh nghiệp nhà nước có thể trở thành "con bò sữa của chung" mà mạnh ai nấy "vắt sữa", khai thác đến mức kiệt quệ.

Tư duy "ăn xổi ở thì" dễ nổi lên lấn át, tư duy ngắn hạn, nghĩ đến quyền lợi cục bộ, mưu cầu tư lợi ngắn hạn hơn là phát triển dài hạn, phát triển bền vững cho cả cá nhân và cộng đồng.

3. Dễ dàng thỏa mãn với những thành công nhỏ

Tư duy truyền đời kiểu "học thành tài" ăn sâu vào suy nghĩ thay thế cho tư duy tiến bộ hơn "học tập và làm việc phấn đấu, cống hiến suốt đời". Các cá nhân học giỏi, xuất sắc không thiếu nhưng các thành quả khoa học, các phát minh thành tựu lớn trong hầu hết các lĩnh vực hầu như chưa sánh bằng các quốc gia khác, phần vì thiếu môi trường cho người tài, phần vì các cá nhân xuất sắc trong cộng đồng đã thỏa mãn với thành công nhỏ ban đầu nên không chịu phấn đấu học tập liên tục và không có cơ hội phát triển lên tầm cao mới hay đạt tới trình độ và đẳng cấp thế giới.

Điều này xảy ra trong hầu hết các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng và sáng tạo, phát minh và sáng chế, văn hóa và thể thao, .v.v. khi Việt Nam chưa có tên trên bản đồ các thành tựu lớn của thế giới vì số lượng các thành tích ở tầm cỡ thế giới còn quá ít so với các quốc gia khác.

Một số người du học nước ngoài cho hay, khi học phổ thông hay đại học các sinh viên bạn thường không giỏi các môn học cơ bản nhưng khi vào nghiên cứu ứng dụng, họ rất xuất sắc và sinh viên ta thường không theo kịp. Có lẽ tư duy học "thành tài" đã sớm làm chậm hay thiêu chột sức sống và khả năng học hỏi, phát triển liên tục của sinh viên ta(?).

Trên thương trường, các doanh nhân Việt Nam cũng có nhiều hạn chế trong việc phát triển doanh nghiệp, thường chạy theo các hợp đồng mua bán có tính thời vụ, dựa vào ưu thế "quen biết", mối quan hệ thân hữu để giành lấy công việc trước mắt, ít có doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dài hạn, có tầm nhìn xa, chú ý phát triển sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu vươn lên tầm cỡ thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường qui mô nhỏ và rất nhỏ, làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu hợp tác phối hợp, khi lớn lên một chút thì đã phân chia ra thành các doanh nghiệp nhỏ hơn do bất đồng quan điểm hợp tác hoặc muốn làm riêng thu lợi một mình, hoặc đã sớm thỏa mãn với thành công nhỏ đạt được.

4. Dễ rơi vào trạng thái tôn sùng các giá trị vật chất

Một bộ phận không ít đang chạy theo các giá trị vật chất như làm tiền, chạy theo đồng tiền, bất chấp hậu quả, miễn sao có nhà đất, xe đời mới, đồ dùng hàng hiệu, vui chơi tiệc tùng..v.v. thay cho các giá trị đạo đức chân - thiện - mỹ, tính trung thực, tinh thần phấn đấu vượt khó, tinh thần tương thân tương trợ trong gia đình và cộng đồng, tôn trọng vẻ đẹp tinh hoa và tinh thần đẹp của con người.

Xuất hiện ngày càng nhiều trong mọi tầng lớp xã hội, kể cả tầng lớp trí thức, có học, hiện tượng tôn sùng tài sản vật chất hơn là các giá trị nhân văn hay các truyền thống tốt đẹp của nhân loại.

Các tội phạm tham nhũng, tội ác phi nhân trong các câu chuyện có thực, ngày càng nhiều, mà người gây án là các quan tham hay những người có ăn học và được đào tạo bài bản, những người sinh ra không hẳn đã sống thiếu thốn vật chất lại được hưởng nhiều ưu đãi, đặc quyền, đặc lợi, nhưng nay không phả vì thiếu miếng cơm, manh áo vẫn cố tình phạm tội. Do bản năng tham lam, tham vọng và dục vọng cá nhân lớn hay do môi trường sống thay đổi đã cổ vũ cho việc sùng bái vật chất này?

Tình trạng nghiện ngập ma túy lan rộng ra cộng đồng, số lượng người nhiễm HIV tăng nhanh, tỉ lệ phá thai cao so với thế giới, trẻ con bị bỏ rơi, trẻ em lang thang bị chăn dắt đi ăn xin và bán vé số, người già bị bạc đãi, buôn bán phụ nữ gia tăng. Điều này có thể có thể liên quan đến tâm lý sống gấp, sống ích kỷ vội vả, chỉ biết lo cho bản thân, chạy đua theo các giá trị vật chất, sống hưởng thụ bất chấp hậu quả, chưa kể các khiếm khuyết trong hệ thống bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người và phát triển hệ thống an sinh xã hội cho mọi thành phần người dân, kể cả các tầng lớp nghèo khổ và chịu thiếu thốn thiệt thòi nhất.

5. Tính kỷ luật chưa cao

Rất nhiều câu chuyện và sự việc xảy ra trong đời sống xung quanh chúng ta, như công nhân Việt Nam vi phạm kỷ luật lao động, bỏ trốn việc, gây nhiều sự cố trong môi trường sản xuất kinh doanh, không tuân theo hiệu lệnh và nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Hiện tượng vượt đèn đỏ trong giao thông, không bỏ rác vào nơi qui định, luôn muốn "luồn lách" và qua mặt pháp luật nếu có điều kiện hay ở những nơi chốn thiếu sự giám sát của các cơ quan pháp luật hoặc cấu kết với các cá nhân trong các cơ quan quản lý nhà nước để trục lợi và tạo ra quyền lợi nhóm hay nhóm lợi ích!

Có người nói về sự khác biệt giữa người Việt "thông minh" và người Việt "khôn ranh" và kết luận là có thể chúng ta "khôn ranh" thôi chứ đừng vội nghĩ rằng "ta đây là dân tộc thông minh"!

Lớp trẻ ngày nay liệu có bớt được những tật xấu? (ảnh binhduong)

Văn hóa chịu trách nhiệm, xin từ chức chưa hiện diện trong đất nước ta. Khi được trao quyền, ủy quyền, với niềm tin lớn, kỳ vọng lớn, trách nhiệm lớn, người ta phải hiểu nghĩa vụ khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao! Khi một người không hoàn thành trách nhiệm, việc từ nhiệm là bình thường, đó là sự bảo đảm cho uy tín, danh dự với lời hứa ban đầu, trọng trách ban đầu đặt ra.

Để ngụy trang, ngụy biện, biện minh cho thất bại, người ta thường hay nói về sự "đồng thuận" hay "trách nhiệm tập thể" và sau cùng là "huề cả làng"! Vì không thể truy cứu trách nhiệm "tập thể" hay sự khôn ngoan hoặc ngu dại đã giúp con người che dấu khuyết điểm trong một ốc đảo có tính "tự lừa dối" lẫn nhau.

6. Dễ thỏa hiệp và tìm kiếm thỏa hiệp để mưu cầu tư lợi cá nhân

Do xã hội đã hình thành một số tầng lớp giàu có, mua quan bán chức, đi lên không phải bằng nỗ lực phấn đấu lao động và học tập siêng năng cần cù mà bằng sự nâng đỡ của "cha anh", bạn bè phe nhóm thân hữu nâng đỡ nhau, tạo ra một sự bất bình đẳng.

"Bao năm phấn đấu, không bằng cơ cấu một hôm", suy nghĩ không cần học tập phấn đấu chi cho vất vả, chỉ cần có quan hệ thân hữu là được, chỉ cần có tiền là mua cái gì cũng xong!

Xây dựng mối quan hệ thân hữu, quyền lực nhóm.

Khi sai phạm xảy ra ở mọi cấp, mọi nơi, con người trở nên chán nản, cảm thấy việc sai phạm là "bình thường", đương nhiên, không màng quan tâm tới, không bình luận, không dám phản bác, nghĩ rằng các phản bác là vô tác dụng, dễ bị "chụp mũ", dễ bị trù dập, quá lo sợ, và chấp nhận "thỏa hiệp", .v.v. tạo nên một xã hội "vô cảm" lúc nào không hay!

Trong công việc, mỗi khi gặp khó khăn hay vi phạm pháp luật, người ta thường nghĩ nên "gõ cửa" ở đâu, gặp "anh Hai, anh Ba" nào để được giúp đỡ?! Muốn làm việc gì, khởi sự một việc kinh doanh, người ta thường nghĩ là "để làm được việc này, tôi quen biết với những ai, tôi có mối quan hệ quan trọng nào trong lĩnh vực này?" hơn là chuẩn bị tốt về sản phẩm hay dịch vụ khách hàng .v.v.

Trong các cơ quan, người ta tham gia vào các tổ chức đoàn thể nhiều khi không phải vì cái tâm sáng, muốn giúp ích cho đời, mà để có thể "trèo cao hơn" trong các nấc thang danh vọng và tiền bạc. Nạn "mua quan, bán chức" trở nên vấn nạn vì ai đó trong chúng ta đều đã có dịp nghe qua về việc này, đâu đó tại chính địa phương mà ta đang sống, phản ánh một vấn nạn, một phát triển nguy hiểm của xu hướng thỏa hiệp, tìm kiếm thỏa hiệp và mưu cầu danh lợi.

Khi đó tội ác có thể ngày càng công khai và mỉm cười ranh mãnh trước sự bất lực của toàn xã hội như một sự trả giá cho những sai lầm của chính mỗi con người hèn yếu trong chúng ta. Và cho những ai nhất thời đắc ý rồi cũng sẽ lại rơi vào chu kỳ khác, khi thời thế của kẻ đắc ý đã qua, con cháu của anh ta rồi vẫn sẽ phải tiếp tục sống trong môi trường "thỏa hiệp" mà anh ta đã vô tình hay hữu ý dựng nên, thế hệ sau này vẫn sẽ phải tiếp tục sống trong môi trường "thỏa hiệp" cấu kết với nhiều phe nhóm nếu không sẽ bị thải loại.

Môi trường có tính thỏa hiệp này, tới phiên nó, sẽ như một bánh xe lịch sử lớn và lớn hơn, nghiền nát mọi nỗ lực hướng tới các giá trị "chân thiện mỹ" mà con người luôn mơ ước.

7. Dễ suy nghĩ chủ quan, chú trọng yếu tố chủ quan hơn khách quan

Dễ sùng bái cá nhân, ca ngợi cá nhân xuất chúng, thần tượng hóa, thần thánh hóa cá nhân hơn là chú trọng xây dựng một xã hội dân chủ, pháp trị tạo cho mọi người dân đều có cơ hội ngang nhau, bình đẳng, môi trường sống và kinh doanh thuận lợi, khi đó các tài năng cá nhân xuất hiện là tất yếu.

Chúng ta ngạc nhiên và khâm phục trước tài năng xuất chúng và thành quả của Giáo sư Ngô Bảo Châu với giải thưởng toán học Fields nhưng chưa xây dựng được môi trường làm việc tốt để tương lai có thêm nhiều người Việt đạt thành quả tương tự. Trong khi các quốc gia như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, .v.v. có rất nhiều nhà khoa học đạt tới các đỉnh cao trí tuệ của nhân loại và điều đó được xem là hệ quả bình thường và tất yếu do "phương pháp" và cách tổ chức thực hiện mang lại.

Tương tự, sẽ rất ngạc nhiên nếu Việt Nam có một Bill Gates, nhưng sẽ không ai ngạc nhiên nếu nước Mỹ ngày càng có thêm nhiều tỉ phú về các sản phẩm khoa học công nghệ. Lý do có thể là tại Mỹ có đầy đủ các "điều kiện cần và đủ" để tiếp tục sản sinh các Bill Gates mới!

Khi các giá trị vật chất mà người ta dễ dàng đạt được không thông qua sức lao động sáng tạo vất vả cần cù, mà chỉ là sự trao đổi, mua bán, ngã giá, con người dễ rơi vào trạng thái suy nghĩ mơ hồ, lý giải và dựa dẫm vào yếu tố "tâm linh" là chủ yếu.

Lúc này, không phải là yếu tố đức tin tôn giáo, triết lý biện chứng duy vật hay duy tâm, hay "khoa học huyền bí" ngoài tầm với của khoa học kỹ thuật đương đại mà là sự cứu chuộc cho bản thân, sự tính toán an bài cho các "tội lỗi quá khứ", sự sợ hãi trước "luật nhân quả", thông qua việc cúng bái lễ vật đắt tiền kiểu nhà giàu, xây dựng lăng mộ hoành tráng, mượn các hành động từ thiện như để khỏa lấp phần nào các yếu tố nhân quả trong đời sống xã hội. Điều này có thể được thấy với hàng đoàn xe ôtô đắt tiền có nhiều xe mang bảng số nhà nước, nối đuôi xếp hàng mang lễ vật "hoành tráng" tới cúng chùa, xem bói vào các dịp lễ Tết.

Sẽ còn những điểm yếu nào?

Có người đổ lỗi cho "cơ chế", môi trường giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội tạo nên. Đổ thừa cho hoàn cảnh nền kinh tế nghèo, chậm phát triển, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thiên tai..v.v.. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người, khi ta tự nghĩ về ta, ta tự đánh giá về bản thân mình, không bao biện, tự soi rọi lại, tự nhìn nhận lại, ta sẽ nghĩ gì về bản thân? Ta tự nghĩ gì về dân tộc mình?

Khi chứng kiến những điểm yếu của con em mình, khi chứng kiến các cuộc đua tranh thể thao, trí tuệ mang tầm cở khu vực và thế giới, sự thua sút lạc hậu, và, trong những ngày thường, chứng kiến con em chúng ta rơi vô cảnh nghiện ngập, tinh thần yếu đuối, bạc nhược, hành vi thiếu văn hóa, vô vọng, mất phương hướng, muốn vươn lên với chỉ những lời kêu gọi động viên duy ý chí, khi tinh thần luôn dư thừa vô bổ với những lời sáo rỗng và thật đau lòng khi chúng ta tự nhận là những người tử tế, đều quan tâm đến nhau, quan tâm đến những điều tốt đẹp của xã hội loài người, quan tâm đến nhau như những người bạn thân, đồng bào, máu chảy ruột mềm, có thể hy sinh vì nhau, nhưng lại đang làm đau lẫn nhau, thật đau, mà không hay biết, chúng ta khóc thầm, khóc rưng rức cho nỗi đau dân tộc.

Một người trẻ được trang bị những hành trang quý giá nhất nào để có thể đi xa, phát triển nhân cách, phát triển bản thân và giúp ích cho cộng đồng xã hội, có lẽ cũng cần các kinh nghiệm về các "vết xe đổ" cần tránh, các thói hư, tật xấu và điểm yếu cố hữu của bản thân mình, dân tộc mình nếu có, điều này sẽ giúp chắp cánh cho các thế hệ tương lai bay cao và bay xa hơn.

Nếu được phép tự do góp ý cho những người thân, những người mà mình yêu quý, góp ý cho đất nước, cho tổ quốc và dân tộc mình với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, chúng ta sẽ thực sự muốn và dám nói ra điều gì? Đây là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người với dân tộc và đất nước.

Tác giả Cảnh Thái đã gửi về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam một bài viết về những "thói hư tật xấu" mà giới doanh nhân cũng nhơ mọi người dân Việt Nam nên tránh. Theo bạn, đây có thực sự là những "thói xấu" căn cơ của người Việt không? Còn những điểm yếu nào mà ta cần khắc phục? Mọi ý kiến thảo luận xin nhập vào hộp phản hồi phía dưới hoặc gửi về vef@vietnamnet.vn


About Me

My photo
Định Tường, Yên Định, Vietnam
KakalosVinh45

Followers