LTS: Chia sẻ với những "tự trào", "tự vấn" của tác giả Cảnh Thái về các tính cách tốt xấu của doanh nhân cũng như người Việt nói chung, độc giả Nguyễn Hữu Thái đã bày tỏ suy nghĩ về "người Việt xấu xí".
Mời quý vị độc giả gửi ý kiến trao đổi vào hộp phản hồi phía dưới hoặc gửi về vef@vietnamnet.vn
Giống như một cái mốt thời thượng, nay đang lan tràn trên khắp thế giới các cuốn sách trong đó người ta nêu lên và phê phán những thói hư tật xấu của chính bản thân dân tộc mình, nhiều khi còn tự thóa mạ khá cay độc nữa là đàng khác.
Nổi tiếng và gây xôn xao gần đây là cuốn " Người Trung Quốc xấu xí " do nhà văn Bá Dương của Đài Loan viết. Ông ta thú nhận mình viết bắt chước theo cuốn " Người Mỹ xấu xí ", một tác phẩm đã được chính quyền Mỹ không nề hà sử dụng làm tài liệu nghiên cứu sách lược của mình. Người Nhật cũng có cuốn " Người Nhật xấu xí ", tác giả là một vị đại sứ Nhật Bản tại Argentina, nhưng sau khi cuốn sách ra đời thì ông ta bị bãi chức. Phải chăng đó là sự khác nhau giữa Đông và Tây? Ở nước ta nghe nói cũng có lắm người hăm he viết " Người Việt xấu xí ", không biết đã làm tới đâu rồi ?
Không có ý thức bảo vệ tài sản chung cũng là một "tật xấu" của người Việt? |
1-Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý huởng thụ còn nặng.
2-Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
3-Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
4-Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
5-Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học "đến đầu đến đuôi" nên kiến thức không hệ thống, mất căn bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê).
6-Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
7-Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn người).
8-Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
9-Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.
10-Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).
Thật ra ta cũng khó lòng vội vả xác định về tính chính xác của các nhận xét nêu trên về người Việt mình. Cho nên tôi đồng ý với nhận định của một anh bạn giáo sư sử học cho rằng các đặc tính kiểu này người rất nhiều nước đều có, không chỉ riêng gì người Việt mình. Vấn đề là thể chế và giáo dục. Ngày xưa đâu đến nỗi tệ thế... Tôi cũng nghĩ rằng mọi con người sinh ra cơ bản đều giống nhau, chính xã hội và khung cảnh sinh sống quy định tính cách của họ. Một nền giáo dục tốt có thể làm thay đổi tất cả.
Nghĩ rằng vào thời hội nhập và giao lưu quốc tế, các bạn trẻ chúng ta chắc không ngại nghe người ta nhận xét về mình. Âu đó cũng là dịp để chúng ta tự soi rọi lại mình, khắc phục các mặt nhược và hoàn thiện những mặt ưu vậy.
No comments:
Post a Comment