Sunday, March 30, 2014

Những câu đố về "Những điều bí ẩn thường ngày

Tại sao sữa đựng trong hộp khối chữ nhật, còn nước giải khát trong lon hình trụ? Có biết bao điều bình thường như vậy nhưng không nhiều người biết nguyên nhân. Ông Robert Frank, giáo sư kinh tế tại Mỹ, đã khai thác những bí ẩn này thành phương pháp giảng dạy độc đáo của mình. Ông đã tuyển chọn những câu hỏi và trả lời hay nhất của sinh viên đưa vào quyển sách The economic naturalist: In search of explanations for everyday enigmas (tạm dịch: Nhà tự nhiên kinh tế: Tìm kiếm lời giải cho những điều bí ẩn thường ngày).
Tại sao sữa đựng trong hộp khối chữ nhật, còn nước giải khát trong lon hình trụ? Có biết bao điều bình thường như vậy nhưng không nhiều người biết nguyên nhân. Ông Robert Frank, giáo sư kinh tế tại Mỹ, đã khai thác những bí ẩn này thành phương pháp giảng dạy độc đáo của mình. Ông đã tuyển chọn những câu hỏi và trả lời hay nhất của sinh viên đưa vào quyển sách The economic naturalist: In search of explanations for everyday enigmas (tạm dịch: Nhà tự nhiên kinh tế: Tìm kiếm lời giải cho những điều bí ẩn thường ngày).

1.
Tại sao sữa đựng trong hộp khối chữ nhật, còn nước giải khát trong lon hình trụ?

2. Tại sao phi công cảm tử của Nhật (kamikaze) lại đội mũ bảo hiểm?

3. Tại sao nút áo nam nằm ở mép áo bên phải trong khi áo nữ thì ngược lại?

4.
Tại sao bánh pizza tròn lại được đựng trong 1 hộp vuông?
Xem đáp án
1. Tại sao sữa đựng trong hộp khối chữ nhật, còn nước giải khát trong lon hình trụ? Nó giúp tối thiểu hóa sự chiếm chỗ của các hộp sữa trong tủ giữ lạnh (làm giảm chi phí trưng bày sản phẩm), trái với lon nước giải khát thường được bày trên kệ không cần giữ lạnh

2. Tại sao phi công cảm tử của Nhật (kamikaze) lại đội mũ bảo hiểm? Trong mũ có nhiều thiết bị khác như bộ đàm, thiết bị định vị giúp cho phi công có thể đánh bom cảm tử thành công. Ngoài ra họ cần phải được bảo vệ để trường hợp nhắm trật mục tiêu họ có thể thực hiện lại quá trình đánh bom ở lần sau.

3. Tại sao nút áo nam nằm ở mép áo bên phải trong khi áo nữ thì ngược lại? Khi mới được phát minh, nút áo là một món hàng xa xỉ. Vào thời đó, đàn ông thường tự mặc áo, còn phụ nữ thì có người hầu giúp mặc áo. Vì 90% người thuận tay phải, nút áo sơmi thường được kết vào mép trái cho áo nam và mép phải cho áo nữ để tiện cho người hầu (đa số thuận tay phải).

4. Tại sao bánh pizza tròn lại được đựng trong 1 hộp vuông? Vì công sức sản xuất ra hộp vuông đỡ tốn kém hơn rất nhiều, đó là vấn đề tiết kiệm công sức. Hơn nữa lấy 1 cái bánh pizza tròn từ 1 hộp vuông sẽ dễ lấy ra nhất

Người trung thực ở Việt Nam sống sót như thế nào? (*) 

[Lâu lắm rồi bạn Hà mới lại viết. Nếu bạn từng có thiện cảm với các bài viết trước của Hà, hy vọng bạn cũng sẽ dành thời gian đọc đến hết bài này :).]
(*): Mọi chuyện bắt nguồn từ câu hỏi “How do ethical people survive?” trong quyển The return of the economic naturalist: How economics helps make sense of your world?  Hà mới đọc. Quyển này thực ra là tập 2 với tập 1 là The economic naturalist: Why economics explains almost everything, cả 2 đều đã có sách dịch ở VN nhưng mình không biết là ở hàng sách còn không :-?. Sách tập hợp các câu hỏi là các vấn đề thường gặp trong cuộc sống và có thể được giải thích khá dễ hiểu và thấu đáo bằng các nguyên lý cơ bản của kinh tế học, ví dụ như sao sữa thì thường đựng trong hộp các-tông hình hộp chữ nhật còn nước uống có ga thì trong hình trụ tròn, sao áo của con gái luôn là cúc ở bên trái còn áo con trai thì cúc ở bên phải, sao định dạng của DVD ở các nước khác nhau thì khác nhau nhưng định dạng CD trên toàn thế giới thì như nhau… Không phải toàn bộ lời giải thích đều thuyết phục nhưng như tác giả nói, quan trọng là giúp người đọc rèn luyện tư duy kinh tế.
Phần 1: Định nghĩa và Nguyên nhân
Quay trở lại câu hỏi đầu bài, trung thực hay ethical có thể hiểu nôm na là tôn trọng sự thật, cố gắng làm việc đúng đắn tuân theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội và tuân theo pháp luật. Dưới góc độ kinh tế, xâm phạm trung thực sẽ thường phát sinh nếu (1) trong quá trình thực hiện hành động trung thực, chi phí cá nhân người thực hiện bỏ ra lớn hơn lợi ích họ có được hoặc (2) khi làm việc phi trung thực, lợi ích của họ lớn hơn chi phí. Nguyên tắc hoạt động 2 trường hợp này thì giống nhau nhưng động cơ thì khác nhau. (Ở đây chỉ xét các trường hợp luật pháp được số đông coi là đúng nhé, không tính mấy trường hợp các điều luật hay các chuẩn mực đạo đức còn gây tranh cãi ví dụ như hôn nhân đồng giới, nạo phá thai.)
Cách đây không lâu có 1 status trên Confession FTU, đại ý là em ấy tỏ ra bức xúc và phẫn nộ về tình trạng quay bài ở trường, và bên dưới, 90% hoặc gần như thế các comment hoặc thừa nhận đã từng quay bài hoặc ủng hộ việc quay bài, cho rằng việc đó là bình thường. Các em ủng hộ đưa ra 2 lý do chủ yếu: một số môn nội dung ôn thi quá dài, không quay làm sao thi được và có những môn không cần thiết cho nghề nghiệp sau này, không nên bỏ nhiều thời gian để học và quay bài cho qua là được rồi. Bạn Hà, với 17 năm kinh nghiệm học tập, có thể đảm bảo rằng dù học sinh dốt thì miễn là cố gắng ở mức trung bình, đáp ứng yêu cầu tối thiểu của cô giáo là có thể qua rồi (điểm đạt là 40%). Trường hợp môn các bạn cho là không cần thiết thì có thể hiểu được khi cái này nằm ở pham vi ‘luật gây tranh cãi’. Nhưng vấn đề là ở chỗ nhiều bạn không quay bài ở mức qua, các bạn quay để đạt mức điểm 60-80% đấy chứ. Có 2 nguyên nhân có thể lý giải: 1 là do tính sĩ diện, không muốn người khác thấy mình điểm kém và 2 là theo đuổi mục đích điểm cao hơn để có một cái bằng đẹp hơn. Nói chung là lợi ích lớn hơn chi phí. Ví dụ này cũng tương tự như khi hối lộ cán bộ thu thuế để trốn thuế.
Bản thân bạn Hà cũng không phải là trung thực tuyệt đối. Cả đời mình đã từng làm 2 việc không trung thực: 1 là dùng các phần mềm của Windows, Microsoft… mà không trả tiền bản quyền và 2 là đã từng 2 lần hối lộ CSGT. Suy ngẫm về động cơ thì mình thấy rằng chi phí khi mình thực hiện hành động trung thực là khá lớn: mình phải trả số tiền gần bằng cả cái máy tính để mua bản quyền phần mềm, mình bị giữ xe tới 1 tháng. Và nếu trong tương lai tiền bản quyền phần mềm vẫn cứ tiếp tục đắt gần bằng cái máy tính và gần bằng 1 tháng lương của mình, mình vẫn sẽ làm như vậy.
Đến đây thì có 1 câu hỏi, vậy có tồn tại Trung thực nửa mùa, hay trung thực bao nhiêu là đủ?
Phần 2: Thực trạng và Hệ quả
Trả lời cho câu hỏi “Mức độ vi phạm trung thực ở VN như thế nào?” quả là khó. Không như nhiều người lầm tưởng rằng bạn Hà quen biết nhiều, thực tế là mình biết nhiều người nhưng khốn nỗi danh sách này lại khá là một màu :”>. Nếu thống kê thì phần đông là trường chuyên lớp chọn, phần đông tham gia năng nổ ở hội nhóm/dự án cộng đồng/kinh doanh nào đó và theo như mình nhận định, phần đông có chỉ số trung thực cao. Có 1 số kênh tham khảo khác là theo dõi về các tin tức trên báo chí (cái này thì hơi củ chuối vì rõ ràng là tin về người xấu nhiều hơn người tốt) hoặc vào toidihoilo.com để nắm qua tình hình hoặc tham khảo chỉ số tham nhũng, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Việt Nam các năm gần đây http://phapluattp.vn/20130515120331868p0c1013/cong-bo-chi-so-papi-2012-tham-nhung-vat-tang-suc-chiu-cua-dan-tang-theo.htm Dễ hiểu là trung thực và không trung thực thời nào cũng có, nhưng hiện nay không trung thực ngày một gia tăng, và có xu hướng được coi là 1 việc bình thường. 44% số người được hỏi cho rằng phải lót tay để xin việc vào cơ quan Nhà nước, con số tương ứng với việc khám chữa bệnh là 42%, cấp giấy nhà đất là 32% và giáo dục tiểu học là 25%. Có thể thấy các ngành có tình trạng không trung thực lớn nhất là y tế, giáo dục và hành chính công.
Khi nói đến hệ quả thì nhiều cá nhân sẽ cho rằng tôi làm lợi cho tôi nhưng tôi không làm hại ai, thế là được chứ gì, tôi quay bài để điểm tôi cao hơn nhưng tôi đâu có làm thấp điểm người khác. Nhưng trên thực tế thì dưới góc độ kinh tế, phần lớn các tình huống không trung thực đều gây ra việc lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến lợi ích nhóm. Bạn trốn thuế dẫn đến tiền thuế mà tổng số người dân được hưởng giảm đi, bạn không trả tiền bản quyền phần mềm dẫn đến tài sản của tổng số cổ đông công ty đó giảm đi. Tuy nhiên, hệ quả này thường không đọng lại nhiều trong tâm trí người vi phạm, vì lợi ích mất đi đó không đủ khiến cho họ cảm thấy có lỗi hoặc day dứt lương tâm, cũng như 1 khảo sát từng được thực hiện tại Mỹ với kết quả rằng phần lớn những người đi siêu thị mà được nhân viên siêu thị trả thừa $10 sẽ quay lại để trả lại vì cảm thấy day dứt nếu nhân viên đó bị phạt cuối ngày, nhưng phần lớn sẽ không quay lại nếu nhân viên quên tính tiền 1 món hàng nào đó $10 đơn giản vì cái đó là mất mát của cả siêu thị vào cuối tháng, nhân viên kia sẽ không phải chịu phạt gì. Và ngay cả khi ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người khác, bạn tạo ra bất công ví dụ như bạn chạy trọt để xin việc đồng nghĩa với có khả năng có người có năng lực nhưng không có tiền thì không thể vào vị trí đó (vì tài nguyên thường là khan hiếm, số lượng người được tuyển không có tăng nhanh như tài khoản Gmail của bạn) thì cũng không nhiều người cảm thấy day dứt, vì họ quan tâm đến lợi ích bản thân trước nhất. Mình không nói điều này là đúng hay sai, chỉ muốn nói là nó hợp logic.
Hệ quả lớn nhất theo mình với cả xã hội đó là khi người ta coi đó là việc bình thường, rằng vì người ta cũng hối lộ để được giải quyết hồ sơ sớm hơn thì tôi cũng phải hối lộ không thì bao giờ mới đến lượt tôi. Thử tưởng tượng rằng nếu tất cả mọi người đều làm việc A- không trung thực, lúc đó thì nhiều khả năng cái hành động trung thực A+ bị tuyệt chủng, xã hội phát sinh giá trị mới, tôn sùng A- và khi đó thì thực ra A- không còn mang tính negative nữa, A- trở thành tốt, thế thì thôi hết mâu thuẫn, khỏi phải đấu tranh cho A+ làm gì nữa. Tuy nhiên kịch bản này theo mình khó xảy ra vì thực tế là trung thực cùng nhiều giá trị khác của con người vẫn tồn tại từ hàng nghìn năm nay, khả năng nó bị đánh đổ là rất thấp. Và bi kịch đến khi có 1 số đông làm việc không trung thực và lớn dần (số người cho rằng cần phải đút lót khi xin việc vào Nhà nước tăng từ 29% năm 2011 lên 44% năm 2012) khiến những người vốn trung dung thiên về hành động theo hướng không trung thực, xã hội hình thành 1 phong tục Không Trung Thực và khiến những người trung thực khó sống. How do ethical people survive?
Thực ra đến lúc này thì mình phải thú nhận với các bạn 1 điều. Cơ nguyên của bài viết này chẳng phải đến từ vụ mình đọc sách mà bắt nguồn từ việc mình mới được cập nhật các dạng tiêu cực trong ngành giáo dục đại học và sau đại học gần đây. Ok, mình chấp nhận làm khối ngoài Nhà nước để không phải chạy trọt xin việc, mình có thể cố gắng làm đúng luật trong các hành vi sống và kinh doanh, nhưng nếu 10 năm nữa, tỉ lệ phải đút lót cho giáo viên tiểu học lên đến 80% thì mình không chấp nhận được, mình không thể cho con mình lớn lên như thế. Giải pháp là thế thì chuyển ra nước ngoài sống hoặc cho con học trường quốc tế đi, nếu mình đủ tiền làm những việc đó thì ok nhưng nếu không, mình sẽ thấy rất bất công và bế tắc. Chưa kể nếu con mình có học trường quốc tế đi chăng nữa thì nó vẫn sẽ tiếp xúc với con người ở xã hội xung quanh nó, nếu 80% số người ngoài trường quốc tế không trung thực thì dù trường học của nó có trung thực 100% đi chăng nữa, liệu nó có thể không tránh khỏi bế tắc khi vào đời?
Nhưng đấy thực ra là hệ quả to tát với mình, không có nhiều ý nghĩa với tất cả mọi người :)). Trong tháp nhu cầu của Maslow thì ở nấc thứ 4, nấc gần cao nhất đó là nhu cầu Được tôn trọng, cái này đảm bảo ai cũng có luôn. Mình nghĩ rằng, nếu bạn không trung thực bạn không có quyền đòi hỏi sự trung thực từ người khác, vào 1 thời điểm trong tương lai nếu có sự bất công xảy ra với bạn hay với người thân của bạn, hãy hiểu rằng chính bạn cũng là 1 phần tác nhân dẫn đến việc tình trạng này trở nên phổ biến hơn. Tệ hơn, tin tức về những việc không trung thực thì dễ lộ ra hơn là tin về trung thực, như bạn thấy thì truyền thông thích người xấu và lố nhiều hơn là người tốt. Lúc đó, không chỉ là bị tai tiếng, tất cả những thứ bạn đạt được đều có thể bị nghi ngờ đến từ các tác nhân không trung thực, và thực sự nỗi ức bị đánh giá thấp hơn khả năng của mình là 1 trong những nỗi ức lớn nhất mọi thời đại. Với những người có lòng tự trọng và tự tôn dân tộc cao, nỗi đau tinh thần còn lớn hơn khi bạn ra nước ngoài và tiếp xúc với người dân của 122 nước có chỉ số minh bạch và tham nhũng tốt hơn Việt Nam (theo số liệu 2012).
Nhưng liệu có phải mọi lời nói thật đều tốt, như bác sỹ có phải lúc nào cũng nên nói thật về bệnh tình cho bệnh nhân? 1 người bạn thân của mình mà mình đánh giá là có chỉ số trung thực cao, khi được hỏi rằng “Nếu công ty của bạn đang kinh doanh ảm đạm, nhân viên và gia đình họ khốn khổ vì không lương, thì nếu có điều kiện để hối lộ, bạn có sẵn sàng làm nhằm đạt được hợp đồng trong 1 cuộc đấu thầu quan trọng?” và câu trả lời của bạn mình là “Có”. Bạn sẽ nói rằng mình cũng hối lộ CSGT đấy thôi, cũng không trung thực đấy thôi, mình làm sao ở trong tình cảnh khốn khó của bạn để biết được nếu trung thực thì hậu quả sẽ thảm hại như thế nào. Trong những trường hợp đó, mình tin rằng chúng ta đều hiểu rõ lợi/hại, các hệ quả và sẵn sàng chấp nhận hệ quả của việc hành động trung thực hoặc không trung thực. Mỗi lần làm thêm 1 việc không trung thực, bạn hiểu rằng 1 trong các hệ quả được kể đến ở trên đối với bạn sẽ nhiều thêm. Mỗi người có lý trí riêng để xác định cho mình ngưỡng giới hạn cho phép và mình không có quyền hành để nói rằng ngưỡng của bạn phải thế này thế kia, nhưng quay lại động lực nguyên thủy của mình, mình tin rằng trẻ em là đối tượng thiếu thông tin và lý trí để xác định ngưỡng giới hạn cho mình những năm đầu đời. Vì thế mình muốn tỉ lệ không trung thực tính trên toàn xã hội giảm xuống và đặc biệt là gian lận trong giáo dục cần được giảm nhiều nhất.
Phần 3: Giải pháp (dàn bài giống Khóa luận v** :)))
Vậy trong quyển sách mình đọc, tác giả giải quyết vấn đề như thế nào? Ông chỉ ra rằng trong thế giới luôn tồn tại những ngành, những vị trí làm việc ưu tiên sự trung thực và chừng nào thị trường lao động còn tồn tại thì chừng đó người trung thực còn sống được. Điều này cũng củng cố lập luận mà mình đề cập ở trên đó là Trung thực sẽ vẫn là giá trị được tôn trọng chừng nào con người còn tồn tại. Việt Nam có muốn không trung thực cũng khó khi mà giờ đây không có bế quan tỏa cảng như hồi xưa, chúng ta sống cùng thế giới và các bạn quốc tế có chỉ số minh bạch cao hừng hực: bạn làm xuất nhập khẩu thì lựa chọn tốt hơn cho bạn vẫn là trung thực với bạn hàng, bạn nghiên cứu khoa học thì lựa chọn tốt hơn cho bạn vẫn là gửi bài của chính bạn đến hội thảo quốc tế. Tỉ lệ các bạn được đào tạo và sống trong môi trường minh bạch ở nước ngoài quay về nước ngày càng cao cũng phần nào có tác động tích cực. Như vậy, yên tâm là trung thực không thể tuyệt chủng ở VN được, người trung thực vẫn sống được.
Nhưng như thế người trung thực sẽ dồn về các khu vực mà anh ta có thể sống, cụ thể là các khu vực ngoài Nhà nước, dẫn đến tỉ lệ người không trung thực dồn về khối trong Nhà nước tăng lên trong khi đây lại là nhóm ngành mà cán bộ có mức độ tương tác với dân và doanh nghiệp cao nhất, có thể ảnh hưởng đến đời sống người khác nhiều nhất. Chà, nếu thế thì người trung thực thật sự là khó sống.
Thử cân nhắc các giải pháp dưới góc độ kinh tế. Để giảm thiểu tình trạng không trung thực tầm vĩ mô có thể đưa ra các biện pháp nhằm (1) tăng chi phí khi làm việc không trung thực, (2) tăng lợi ích khi làm việc trung thực, (3) giảm chi phí khi làm việc trung thực, (4) giảm lợi ích khi làm việc không trung thực.
(1): là nhóm biện pháp được nhắc đến nhiều nhất, cụ thể là các hình phạt khi bị phát hiện không trung thực. Nhưng như bạn thấy, một là các hành động không trung thực ít khi bị tố cáo để trừng trị, hoặc là kể cả có thanh kiểm tra thì đến bước này vẫn có thể gian lận được. Vấn đề hành pháp kém và người dân không tin vào pháp luật có lẽ không thuộc phạm trù kinh tế học :)).
(2): vậy thì tôi tăng lợi ích cho anh khi làm việc trung thực, tôi tăng lương cho người cơ quan Nhà nước. Nhưng khổ nỗi, lương mà tăng thì lạm phát lại tăng nhanh hơn, nên nhìn chung là lương vẫn thấp. Liên quan đến vấn đề lương và lạm phát xin phép được tạm dừng tại đây, cái này nó bao gồm nhiều vấn đề rất là dây mơ rễ má =))).
(3): ok thế anh nói là phải hối lộ để được xử lý hồ sơ nhanh hơn, vậy tôi đưa ra quy trình xử lý hồ sơ hiệu quả hơn, khiến anh không phải chờ lâu nữa và vì thế cũng không mất công hối lộ cho công chức làm gì. Cái này thì đang thực hiện và theo mình là biện pháp khả thi nhất nếu người lãnh đạo có tâm.
(4): cái này có thể thực hiện bằng 1 vài biện pháp bổ sung thu nhập như khuyến khích giáo viên dạy thêm, bác sĩ làm thêm để động cơ kiếm thêm thu nhập của họ khi gian lận bị triệt tiêu. Nhưng như những ngành này còn có khả năng làm thêm, chứ CSGT hay cán bộ địa chính nếu làm thêm thì chắc chắn là phải làm trái ngành, ví dụ như xe ôm, bán trà chanh, ghi số đề… Và không phải tất cả đủ bản lĩnh để sống như vậy.
Có ý kiến đề cập đến giải pháp thay đổi hệ thống chính trị. Mình không nghĩ rằng việc này có thể thay đổi tính cách con người khi đối mặt với các cặp lợi ích – chi phí. Harvard, biểu tượng của giáo dục Mỹ, mới có scandal học sinh gian lận đầu năm nay đấy thôi. Và còn 1 giải pháp nữa cũng rất hay được nhắc đến trong các luận văn đó là Giáo dục nâng cao ý thức người dân, vâng và như thế chúng ta lại quay trở về Giáo dục :))).
Thực ra thì mớ giải pháp vĩ mô bên trên là bàn trên giấy thôi. Với công dân đại trà như chúng ta thì có khả năng thực hiện được bao nhiêu trong số ấy?
Phần 4: Kết luận
Mình chọn sống trung thực. Nhưng mình thấy sống trung thực bây giờ rất khó nên mình muốn viết ra những dòng này trước hết để bảo vệ quyền sống của mình (và con cái mình). (Ghi chú là mục đích của mình là sống – survive thôi, còn bạn nào có tham vọng lớn hơn thì hẳn là đi cùng trung thực thì còn cần thêm các tố chất và kỹ năng khác :)))
Như đã nói, nếu bạn không trung thực bạn không có quyền đòi hỏi sự trung thực từ người khác, vào 1 thời điểm trong tương lai nếu có sự bất công xảy ra với bạn hay với người thân của bạn, hãy hiểu rằng chính bạn cũng là 1 phần tác nhân dẫn đến việc tình trạng này trở nên phổ biến hơn. Tệ hơn, tin tức về những việc không trung thực thì dễ lộ ra hơn là tin về trung thực, như bạn thấy thì truyền thông thích người xấu và lố nhiều hơn là người tốt. Lúc đó, không chỉ là bị tai tiếng, tất cả những thứ bạn đạt được đều có thể bị nghi ngờ đến từ các tác nhân không trung thực, và thực sự nỗi ức bị đánh giá thấp hơn khả năng của mình là 1 trong những nỗi ức lớn nhất mọi thời đại. Mình hi vọng rằng những hệ quả này sẽ khiến bạn thiên về nhóm trung thực nhiều hơn, và một khi bạn chọn Trung thực, hãy xem bạn có thể làm gì?
Nếu bạn đang làm việc trong các ngành Giáo dục, Y tế, Hành chính công, mình hy vọng bạn hãy cố gắng trung thực nhất có thể khi tiếp xúc với dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu bạn là giáo viên mong bạn hãy dạy học sinh sinh viên mình trung thực. Nếu bạn là người đi học mong bạn trung thực với mọi kết quả học tập của mình để biết được rằng năng lực thực sự của mình đến đâu, bạn học được rằng kết quả tốt luôn đòi hỏi nỗ lực tương xứng. Và có 1 sự thật 100% là bằng cấp bây giờ không còn được nhà tuyển dụng coi trọng số một nữa rồi.
Nếu bạn có con/cháu trong độ tuổi nhận thức, mong bạn cung cấp cho các em thông tin đầy đủ về việc nếu làm việc trung thực thì sẽ có hệ quả là abc, nếu làm việc không trung thực thì có hệ quả là xyz. Đừng nên gian lận trước mặt trẻ và khiến trẻ nghĩ rằng đó là việc hết sức bình thường.
Nếu bạn rất giỏi trong lĩnh vực của mình và thậm chí có thể cạnh tranh với các cơ quan Nhà nước cùng ngành, mong bạn có đủ nguồn lực để hiện thực hóa điều đó và tạo ra môi trường trung thực xung quanh sản phẩm của bạn để người trung thực có thể tìm đến và sử dụng. Ví dụ bạn có thể mở trường quốc tế, mở văn phòng công chứng tư nhân, mở bệnh viện tư.
Nếu bạn là dân kinh doanh nói chung, có lẽ không nói bạn cũng biết chữ tín là hàng đầu để tồn tại. Bạn có thể có vài đồng lợi nhuận ban đầu, nhưng một khi lộ ra bạn nói dối khách hàng, bạn sẽ mất hết.
Nếu bạn là nhà báo, là người có khả năng về truyền thông hãy chia sẻ suy nghĩ của mình đến người khác (với các bạn là opinion leader, hot vlogger… ) hoặc thực hiện các dự án có mức phủ sóng lớn (như Đen hay trắng, bạn chọn gì? hay toidihoilo.com).
Hoặc, nếu bạn chỉ là một người hoàn toàn bình thường và muốn sống trung thực (như mình). Hãy cứ trung thực hết mức có thể, theo lý trí bạn hướng dẫn, và lôi kéo những người xung quanh giống như bạn.
Thực ra mình đã mất 3 ngày suy nghĩ để xem việc viết ra thế này có đem lại hiệu quả tích cực gì không hay nó cũng chỉ là 1 bài viết trên mạng mà các bạn đọc và rồi lãng quên trong phút chốc. Nhưng nếu bạn nào đã từng học Triết chắc cũng biết quy luật lượng – chất, khi lượng đủ nhiều có thể chuyển hóa thành chất, nếu bạn gặp 19 nhân tố mới khiến thay đổi suy nghĩ của bạn mà mình là nhân tố thứ 12 thì ngay lúc này chưa thể có kết quả gì nhưng nếu không có cái 12 ấy, bao giờ mới có cái 13, mới đạt được mốc 19? Và có 1 điều buồn cười mà mình tin nhất, tin ngay khi đêm đầu tiên đến Úc ngủ ở phòng mới có con côn trùng cứ bay qua bay lại, đó là câu nói của Dalai Lama: “If you think you are too small to make a difference, try sleeping with a mosquito.”
Những câu đố về "Những điều bí ẩn thường ngày" 

Người trung thực ở Việt Nam sống sót như thế nào? (*) 

No comments:

About Me

My photo
Định Tường, Yên Định, Vietnam
KakalosVinh45

Followers